Biện Pháp Khẩn Cấp Tạm Thời” Trong Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài – Vì Sao Tòa Án Không Nên Can Thiệp Vào Thanh Toán Quốc Tế Bằng L/C

Luật sư Nguyễn Thanh Tuân

Luật sư Nguyễn Thanh Tuân

Biện Pháp Khẩn Cấp Tạm Thời” Trong Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài – Vì Sao Tòa Án Không Nên

Biện Pháp Khẩn Cấp Tạm Thời” Trong Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài – Vì Sao Tòa Án Không Nên
Biện Pháp Khẩn Cấp Tạm Thời” Trong Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài – Vì Sao Tòa Án Không Nên
Biện Pháp Khẩn Cấp Tạm Thời” Trong Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài – Vì Sao Tòa Án Không Nên Can Thiệp Vào Thanh Toán Quốc Tế Bằng L/C

“Biện Pháp Khẩn Cấp Tạm Thời”  Trong Giải Quyết Tranh Chấp

 Bằng Trọng Tài – Vì Sao Tòa Án Không Nên Can Thiệp

 Vào Thanh Toán Quốc Tế Bằng L/C ?

Một buổi hội thảo về đề tài “Hiệp định thương mại tự do và giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài” đã được tổ chức tại vào ngày 20/5/2017 tại Tp. Hồ Chí Minh – Việt nam. Trong phần Hỏi – Đáp, một Luật sư đến từ một Công ty Luật tại Tp. Hồ Chí Minh đã nêu ra để tranh luận một vụ việc, liên quan đến sự can thiệp của Tòa án vào quá trình xét xử của Trọng tài, thông qua Quyết định áp dụng Biện pháp Khẩn cấp tạm thời theo Bộ Luật Tố tụng Dân sự (2005) và Luật Trọng tài Thương mại (2010) của Việt Nam, để ngăn chặn một giao dịch thanh toán quốc tế giữa các ngân hàng theo UCP600 và Tín dụng thư (L/C). Sau đây là nội dung chi tiết và một số phân tích từ góc độ pháp lý đối với vụ việc.

FACTS

Vào khoảng đầu năm 2013, Công ty A, Bên mua, một doanh nghiệp Việt Nam có trụ sở tại H, một thành phố lớn ở miền Bắc Viêt Nam, nhập khẩu hàng hóa  thông qua một Hợp đồng mua bán ngoại thương với B,  Bên bán Singapore. Hai Bên đã thỏa thuận thanh toán thông qua Thư tín dụng - Letter of Credit (L/C) theo UCP600, qua NH V ở Việt nam (giữ vai trò Ngân hàng phát hành – Issuing bank, đồng thời là Ngân hàng bồi hoàn – Reimbursing bank) và NH S (Ngân hàng thanh toán Chiết khấu – Negotiating bank, đồng thời Ngân hàng thông báo – Advising bank) của Singapore.

L/C được sử dụng trong trường hợp này là loại L/C không hủy ngang. Thời hạn xuất trình bộ chứng từ giao hàng để yêu cầu NH Chiết khấu thanh toán theo L/C là trong vòng 30 ngày, kể từ ngày phát hành của Vận đơn (B/L), với điều kiện là L/C vẫn còn hiệu lực (thời hạn L/C là 150 ngày kể từ ngày được mở).

Theo thỏa thuận giữa NH V (Reimbursing Bank) và NH S (Negotiating bank), việc thanh toán qua L/C sẽ theo quy trình như sau: (i) Người Thụ hưởng (Bên Bán) sau khi giao hàng sẽ xuất trình cho NH S bộ chứng từ đầy đủ theo quy định tại Hợp đồng mua bán, trong khoảng thời hạn hiệu lực của L/C và thời hạn xuất trình bộ chứng từ nói trên; (ii) Sau khi đã kiểm tra tính hợp lệ của bộ chứng từ giao hàng với kết quả đạt yêu cầu, NH Chiết khấu S có nghĩa vụ phải thực hiện ngay và vô điều kiện việc thanh toán chiết khấu cho Người thụ hưởng theo L/C; (iii) NH Chiết khấu S sau đó sẽ chuyển bộ chứng từ cho NH Phát hành V để chuyển cho Bên Mua A đi nhận hàng; (iv) Sau đó NH Chiết khấu S cũng sẽ yêu cầu NH Bồi hoàn V hoàn lại cho mình số tiền mà NH Chiết khấu S đã tạm ứng trước để thanh toán cho Người thụ hưởng theo ủy quyền của NH Bồi hoàn V.

 

Sau khi nhận được L/C hợp lệ, B đã thực hiện ba (03) đợt giao hàng cho A (một đợt vào tháng 3/2013 và hai đợt vào tháng 4/2013), cũng đã xuất trình ba (03) bộ chứng từ độc lập tương ứng cho NH Chiết khấu S và cũng đã nhận đầy đủ tiền bán hàng cho cả ba đợt giao hàng theo Hợp đồng và L/C do NH S chi trả. NH Chiết khấu S cũng đã chuyển cả ba (03) bộ chứng từ nói trên cho NH Phát hành V để chuyển cho Bên Mua A đi nhận hàng từ Người chuyên chở. A sau đó đã nhận đủ số hàng của ba (03) đợt giao hàng, và NH Bồi hoàn V cũng đã chấp nhận thanh toán (hoàn lại ) tiền cho NH S, nhưng chưa kịp thực hiện việc chuyển tiền cho NH S.

 

Tuy nhiên, sau khi nhận được lô hàng thứ Nhất, A cho là hàng không đạt chất lượng, bèn tự thuê công ty giám định X của VN tiến hành kiểm tra chất lượng. Kết quả giám định của X là hàng có hơn 30% tạp chất, hàng không đạt chất lượng theo quy định của HĐ. Đồng thời, B cũng tự thuê một công ty giám định nước ngoài Y kiểm tra chất lượng lô hàng - Kết luận của Y: Toàn bộ hàng thuộc lô hàng thứ Nhất đạt yêu cầu chất lượng theo Hợp đồng. Từ đó, giữa A và B phát sinh tranh chấp về chất lượng lô hàng thứ Nhất.

 

Tháng 5/2013, A đã kiện B ra một Trung tâm Trọng tài ở Việt Nam. Đồng thời A cũng làm văn bản yêu cầu Tòa án thành phố H, nơi đã là địa điểm xét xử của Trọng tài, ra Quyết định áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời, ngăn chặn NH V chuyển tiền để thanh toán cho NH S. Tòa án đã chấp nhận yêu cầu của A, ra lệnh cho NH V không được trả cho NH S số tiền hơn 2.000.000 USD mà NH S trước đó đã tạm ứng để thanh toán cho cả ba lô hàng mà B đã giao. Như vậy, trên thực tế, Tòa án thành phố H đã ngăn cản NH Bồi hoàn V không được hoàn lại tiền cho NH Chiết khấu S theo UCP và L/C số tiền tương đương với tổng giá trị của L/C, với lý do là: “Để bảo đảm cho việc thi hành phán quyết của Trọng tài, theo yêu cầu của Nguyên đơn (Bên Mua), theo các Điều 99.1, 100.1, 102.11, 114, 123, 124, 126 Bộ Luật Tố tụng dân sự Việt nam 2005”.

 

NH V sau đó đã từ chối thanh toán bồi hoàn cho NH S với lý do phải làm theo lệnh của Tòa án, nhưng NH V đồng thời cũng cũng gửi Công văn tới Tòa án để khiếu nại Quyết định áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong tỏa L/C nói trên, vì cho rằng Quyết định của Tòa án đã xâm phạm nguyên tắc về thanh toán bằng L/C theo UCP600, một tập quán thương mại quốc tế mà Việt Nam công nhận và cho thực hiện ở Việt Nam. NH S của Singapore cũng nộp đơn khiếu nại cùng với các tài liệu có liên quan tới Tòa án Tp. H để khiếu nại về Quyết định của Tòa án.

 

Tòa án Tp. H đã bác đơn khiếu nại của NH V, đồng thời phát hành Công văn trả lời  Đơn Khiếu nại của NH S, cho rằng NH S không phải là một trong các bên đương sự nên không có quyền khiếu nại các Quyết định của Tòa án VN. 

 

Cuối cùng, NH S phải chọn phương án thỏa hiệp với Bên mua A để được thanh toán bồi hoàn từ NH V theo L/C. Dựa trên thỏa thuận giữa hai pháp nhân, NH S của Singapore phải thay B “bồi thường” cho A số tiền tương đương không chỉ 30% của lô hàng thứ nhất, mà là tương đương 30% tổng giá trị của cả ba lô hàng mà B đã giao, để A sau đó đã làm đơn xin Tòa dỡ bỏ việc áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tòa án Tp. H sau đó đã cho ngừng áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với NH V, để NH V thanh toán hoàn lại tiền cho NH S. Vụ phong tỏa L/C nói trên đã làm NH S phải chịu thiệt hại khoảng gần USD800,000.

 

THÔNG TIN THAM KHẢO

 

UCP 600

 

Quy tắc Tập quán và Thực hành Thống nhất về tín dụng chứng từ (The Uniform Customs and Practice for the Documentary Credits – viết tắt là UCP) do Phòng thương mại quốc tế (ICC) tại Paris ban hành năm 1933 và sửa đổi lần đầu tiên vào năm 1951. Nhìn chung, cứ 10 năm UCP lại được sửa đổi một lần cho phù hợp với sự phát triển và thay đổi hoạt động của các ngành thương mại, ngân hàng, tài chính, vận tải, giao nhận và bảo hiểm trên trường quốc tế.

 

Cơ sở pháp lý cho việc công nhận và áp dụng UCP600 theo quy định của pháp luật Việt Nam

 

Là một trong các bộ quy tắc về thương mại quốc tế do ICC ban hành, các phiên bản UCP, trong đó có UCP600, đã được công nhận và áp dụng ở Việt Nam từ lâu như một “tập quán thương mại quốc tế”, và đã trở thành một trong các nguồn của Luật trong nước, trong ngoại thương, ngân hàng, thanh toán quốc tế và trong các giao dịch bảo đảm khác, theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2005 (khoản 3 Điều 2 và khoản 4 Điều 759); Luật Thương mại 2005 (khoản 2 Điều 5); và Luật Các Tổ chức Tín dụng 2010 (khoản 4 Điều 3)…

 

Một số nguyên tắc của L/C the UCP600 và  sự độc lập của L/C đối với Hợp đồng mua bán:

 

  1. L/C là một giao dịch độc lập với Hợp đồng mua bán, cái căn cứ mà chính nó được lập (mở) dựa trên đó. Các ngân hàng không liên quan hoặc bị ràng buộc bởi các hợp đồng mua bán như thế ngay cả khi L/C có dẫn chiếu đến các hợp đồng đó (Điều 4 UCP600).
  2. L/C là không thể hủy ngang ngay cả khi không có quy địnhvề điều đó (Điều 3 UCP600);

(iii)    Các ngân hàng làm việc với nhau trên cơ sở bộ chứng từ chứ không quan tâm đến hàng hóa/dịch vụ (Điều 5).

(iv)     “…cam kết thanh toán của một ngân hàng về việc thanh toán đúng hạn hay chiết khấu hoặc về việc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào khác trong tín dụng không phụ thuộc vào bất khiếu nại hay biện hộ nào của Người mở Thư tín dụng phát sinh từ quan hệ của Nguồi đó với ngân hàng phát hành hay với Người thụ hưởng” (Điều 4.a của UCP 600).

CÁC VẤN ĐỀ CẦN XEM XÉT

  1. Có sự liên quan nào giữa một Giao dịch mua bán hàng hóa và một Giao dịch thanh toán xuyên quốc gia tương ứng bằng L/C hay không ?
  2. Số tiền sẽ dùng để thanh toán bồi hoàn giữa các ngân hàng V và S trên cơ sở L/C có thể coi là “tài sản đảm bảo” cho việc thi hành của Người Bán B đối với phán quyết của trọng tài ?

 

THẢO LUẬN/BÌNH LUẬN

 

Vấn đế thứ Nhất: Có sự liên quan giữa Giao dịch mua bán hàng hóa và Giao dịch thanh toán xuyên quốc gia bằng L/C hay không ?

Trong vụ việc đang được phân tích, rõ ràng là đã có hai loại giao dịch hoàn toàn độc lập với nhau, với các chủ thể và quan hệ tương ứng là:

  1. Giao dịch mua bán hàng hóa theo Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa A (Bên mua) và B (Bên bán).

Giao hàng và Thanh toán là hai công việc cốt lõi trong một giao dịch Mua bán hàng hóa. Trong loại giao dịch này, một khi hợp đồng mua bán đã được ký và có hiệu lực, và nếu các Bên cũng đã chọn L/C làm phương tiện thanh toán, thì Bên Mua phải mở sẵn một L/C có hiệu lực để xác nhận mình có khả năng thanh toán và sẵn sàng thanh toán. Còn Bên Bán, sau khi nhận được L/C để biết chắc là sẽ được thanh toán nếu có hành vi giao hàng thể hiện qua việc xuất trình chứng từ giao hàng phù hợp cho ngân hàng, thì phải giao hàng. Một khi hợp đồng mua bán đã được ký, nếu Bên Mua không mở L/C, thì Bên Mua đã vi phạm hợp đồng, và Bên bán có quyền dừng việc giao hàng. Khi có tranh chấp, kể cả tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ mở L/C của một Bên, giữa A và B theo Hợp đồng mua bán, thì tranh chấp đó phải, và chỉ có thể, được giải quyết theo Hợp đồng mua bán mà không thể viện dẫn đến L/C.

  1. Giao dịch thanh toán quốc tế theo UCP600 bằng Tín dụng thư (L/C) bao gồm quan hệ giữa ba cặp chủ thể:
  2.    Quan hệ giữa A (Người mở L/C - L/C Applicant) và NH V (Ngân hàng phát hành L/C - Issuing bank):

Một khi L/C đã được mở và bắt đầu có hiệu lực, thì coi như giữa NH V và Người mở L/C A đã phát sinh một quan hệ tín dụng (credit) không hủy ngang, qua đó NH V cho A vay tiền (cấp tín dụng), và giải ngân, thông qua việc ứng trước (NH V sau đó sẽ trừ tiền trong tài khoản ký quỹ của A), một khoản tiền bằng giá trị của L/C, cộng với các khoản phí NH (lãi vay, bank charges), nếu có, để thanh toán theo quy định của UCP. Vì vậy, toàn bộ số tiền trong tài khoản của A (Người mở L/C) tại NH V đã trở thành khoản Ký quỹ bắt buộc, và không hủy ngang, để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của A cho khoản tín dụng (khoản nợ) mà NH V đã cấp, và giải ngân, cho Ngân hàng Chiết khấu S.

“Ngân hàng phát hành” V phát hành L/C theo yêu cầu của Người mở L/C A, theo đó, kể từ khi L/C đã được mở và bắt đầu có hiệu lực, thì ngân hàng V sẽ đương nhiên được coi như đã cam kết không hủy ngang về việc sẽ thanh toán đúng hạn (to honor) và vô điều kiện (without recourse) cho Người thụ hưởng, thông qua việc yêu cầu (không hủy ngang) NH Chiết khấu S ứng trước tiền trả cho Người thụ hưởng, một khi Người thụ hưởng đã xuất trình được bộ chứng từ hợp lệ cho Ngân hàng Chiết khấu, rồi sau đó NH V sẽ chuyển tiền để bồi hoàn tương ứng cho Ngân hàng Chiết khấu S. 

Trong trường hợp NH V không thực hiện được nghĩa vụ cho vay và giải ngân theo L/C và hợp đồng tín dụng tương ứng, nếu có, giữa NH V và Người mở L/C A, thì tranh chấp sẽ phát sinh giữa hai chủ thể này, và tranh chấp này không hề liên quan đến Hợp đồng mua bán giữa A và B, đến NH S, hay Người thụ hưởng B.

  1.    NH V (Issuing bank, Reimbursing bank) và  NH S (Negotiating bank, Advising bank).

NH S trong trường hợp này sẽ là Ngân hàng Chiết khấu (đồng thời giữ vai trò Ngân hàng Thông báo), là ngân hàng được yêu cầu và/hoặc ủy quyền của Ngân hàng Phát hành V để ứng trước số tiền bằng giá trị của Hợp đồng mua bán và L/C để chi trả (cho Người thụ hưởng) theo yêu cầu ứng trước của Ngân hàng phát hành (Issuing bank, đồng thời là Ngân hàng bồi hoàn –Reimbursing bank).

Khi Ngân hàng S đã nhận được bộ chứng từ giao hàng hợp lệ từ phía Người bán (Người thụ hưởng) mà không thanh toán cho Người thụ hưởng và/hoặc không chuyển giao bộ chứng từ cho Ngân hàng Phát hành V, thì tranh chấp sẽ xảy ra giữa hai Ngân hàng, mà không liên quan đến trách nhiệm thanh toán của Người mở L/C A theo Hợp đồng mua bán.

  1.    NH S (Negotiating bank) – B (Beneficiary):

 

“Người thụ hưởng” (Beneficiary), trong trường hợp này chính là Bên B, Người bán hàng. Khi nhận được L/C có hiệu lực từ Ngân hàng Chiết khấu S và khi đã giao bộ chứng từ giao hàng hợp lệ cho Ngân hàng Chiết khấu S, thì Người thụ hưởng phải nhận được tiền bằng giá trị của L/C, do NH S tạm ứng tiền của mình để chi trả chiết khấu theo ủy thác của NH phát hành V. Nếu NH S từ chối chi trả, thì tranh chấp sẽ phát sinh giữa Người thụ hưởng và Ngân hàng Chiết khấu S, và tranh chấp này cũng không liên quan gì đến nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng của Bên Mua (Người mở L/C) hay trách nhiệm của Ngân hàng mở L/C V (Ngân hàng bồi hoàn).

 

Như vậy, vai trò của các Ngân hàng trong UCC600 (L/C) không phải là Người phân xử đúng/sai trong việc xác định số lượng hay chất lượng của hàng hóa được giao theo hợp đồng, mà các ngân hàng chỉ là người trung gian, thực hiện việc thanh toán và chiết khấu trên cơ sở sự uỷ thác giữa họ với nhau và sự hợp lệ của bộ chứng từ giao hàng. Cam kết trả tiền của ngân hàng theo UCC600 là một cam kết chỉ dựa vào việc xuất trình bộ chứng từ phù hợp với quy định của L/C, vì vậy, nó độc lập hoàn toàn với các giao dịch và quan hệ thương mại khác. Trong khi đó, số lượng và chất lượng hàng hóa thuộc về quy định của Hợp đồng mua bán, cho nên mọi tranh chấp phát sinh từ đó phải, và chỉ có thể, được giải quyết bằng Phương thức giải quyết tranh chấp tương ứng theo quy định của hợp đồng.

 

Vấn đề thứ Hai: Số tiền sẽ dùng để thanh toán bồi hoàn giữa các ngân hàng có thể là “tài sản đảm bảo” cho việc thi hành của Bị đơn B đối với phán quyết của Trọng tài?

Như đã trình bày ở trên, khi đã nhận được bộ chứng từ hợp lệ do Người thụ hưởng B xuất trình,  thì NH Chiết khấu S không có quyền từ chối thanh toán chiết khấu, ngay cả khi được thông báo rằng hàng không đạt chất lượng, hay giao thiếu, vì NH S không có trách nhiệm kiểm tra số lượng hay chất lượng thực tế của hàng hóa đã được giao. Khi NH Chiết khấu S đã tạm ứng tiền của mình để chi trả cho Người thụ hưởng B theo quy định của UCP600 và L/C, thì NH S có quyền yêu cầu NH Bồi hoàn V hoàn lại cho mình toàn bộ số tiền đã tạm ứng theo ủy thác của NH V.

NH V sau khi đã nhận được bộ chứng từ giao hàng hợp lệ từ NH S, thì phải dùng tiền của mình bồi hoàn lại cho NH S số tiền mà NH S đã chi trả theo quy định của L/C cho Người thụ hưởng V, rồi sau đó sẽ khấu trừ khoản tiền tương ứng tại tài khoản ký quỹ của Người mở L/C A. Như vậy, NH V cũng không có quyền dừng thanh toán cho NH S, ngay cả khi được thông báo về vấn đề của số lượng hay chất lượng của hàng hóa đã được giao theo hợp đồng mua bán (Điều 5 của UCP600). 

Số tiền bằng giá trị của L/C cộng với phí ngân hàng mà NH Bồi hoàn V sẽ phải chi trả bồi hoàn cho NH Chiết khấu S không phải là tiền trong tài khoản ngân hàng của B, vì vậy không phải là tài sản của Bị đơn B trong vụ giải quyết tranh chấp A – B bằng trọng tài . Vì vậy, số tiền mà NH V sẽ phải chuyển trả cho NH S trong vụ này không thể dùng để bảo đảm cho việc thi hành của B đối với phán quyết của Trọng tài. Số tiền mà NH S, một Bên thứ Ba ngay tình không hề có liên quan đến tranh chấp giữa A và B, phải bỏ ra để “thỏa hiệp” với Người mua A trong Hợp đồng mua bán, chính là tiền riêng của NH S, là thiệt hại tài chính của NH S, mà NH S sẽ không thể đòi lại từ B hay từ NH V.   

Chính vì quyền và nghĩa vụ của cả hai NH V và NH S theo UCP và L/C đều độc lập với Hợp đồng mua bán giữa A và B, cho nên số tiền bằng giá trị của L/C và chi phí khác có liên quan, mà NH V buộc phải chuyển cho NH S theo quy định của UCP và L/C, những “tập quán thương mại quốc tế” mà Việt Nam cũng công nhận và cho thi hành, sẽ không thể được coi là tài sản của Bên bán (Bị đơn) B trong tranh chấp theo Hợp đồng mua bán, để bị phong tỏa như Biện pháp bảo đảm trong giải quyết tranh chấp giữa A - B theo Hợp đồng mua bán.

Bởi những lẽ trên, chúng tôi giữ quan điểm rằng Quyết định của Tòa án Tp. H về việc Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (theo khoản 11 Điều 102 “Provisional emergency measures” và Điều 114 “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” Bộ Luật TTDS 2005), thông qua việc ra lệnh cho NH V không được chuyển tiền cho NH S, nếu xét về bản chất, thì rõ ràng là đã đã là sai đối tượng, cho nên không thỏa mãn mục đích “Bảo đảm cho việc thi hành án của B”.

Ngoài ra, yêu cầu của A đối với tòa án và Quyết định của Tòa án ra lệnh cho NH V ngừng thanh toán cho NH S theo L/C đã xâm phạm quy tắc theo Điều 4.a của UCP600 đã đã được pháp luật Việt Nam bảo hộ: “…sự  cam  kết của một ngân hàng về  việc thanh toán đúng hạn, chiết khấu hoặc thực hiện bất cứ  nghĩa vụ  nào khác trong tín dụng không phụ  thuộc vào các khiếu nại hay khuyến cáo của Người mở thư tín dụng phát sinh từ  các quan hệ của họ với Ngân hàng phát hành hoặc Người thụ hưởng.

Như vậy, Quyết định của Tòa án Tp. H, theo quan điểm của chúng tôi, là không có cơ sở. Đây là một trường hợp điển hình chứng tỏ nhận định rằng Tòa án của các quốc gia không nên can thiệp vào các thương vụ thanh toán quốc tế bằng L/C.

Luật sư NGUYỄN THANH TUÂN

SGN, 20/6/2017

Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0913 903 900